Thứ Hai, 20/05/2024, 22:42
33 C
Ho Chi Minh City

Khối ngoại ‘đánh cược’ vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư ngoại đang tăng tốc chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh nền kinh tế còn nhiều bài toán cần phải giải quyết nếu muốn giữ chân khối ngoại.

Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quốc tế xem là điểm đến hấp dẫn. Trong ảnh là hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ảnh: H.Như

Đẩy mạnh dòng vốn đầu tư

“Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn”, ông Don Lam, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của VinaCapital, chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư thường niên do đơn vị này tổ chức hồi đầu tháng 10 vừa qua tại TPHCM.

Sự kiện thường niên lần này có đến 150 nhà đầu tư tổ chức, con số được cho biết là kỷ lục kể từ năm 2005 đến nay. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ thị trường khu vực Bắc Á, trong đó có các nhà đầu tư quen thuộc như Nhật Bản, Đài Loan Hàn Quốc, và thậm chí có cả Trung Quốc.

“Các nhà đầu tư tham gia hội nghị quản lý ít nhất 1.000 tỉ đô la Mỹ. Chúng ta chỉ cần cố gắng kéo được 0,1% con số này vào Việt Nam đã là điều đáng mừng”, lãnh đạo tập đoàn quản lý tài sản trị giá khoảng 4 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam cho biết thêm.

Trong diễn biến tương tự, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN), cho biết đã đưa nhóm 12 quĩ đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Malaysia… quản lý danh mục lên đến 1.000 tỉ đô la, đến thăm và làm việc với một số cơ quan nhà nước, các tập đoàn sản xuất lớn tại Việt Nam vào cuối tháng 9 qua.

Việt Nam từ đầu năm đến nay dường như lan tỏa sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ, trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Dòng vốn đầu tư được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng tốc, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, hạ tầng và cả lĩnh vực “thời thượng” là sản xuất bán dẫn.

Trong khi đó, số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục thống cho thấy dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện trong 9 tháng đầu năm đạt 15,91 tỉ đô la Mỹ, tương ứng tăng 2,2% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Còn dự án mới cũng tăng 66,3% về số lượng và 43,6% về số vốn so với cùng kỳ.

Hoạt động đầu tư vốn cổ phần mới đây cũng sôi động không kém. Hồi đầu tháng 10, Bain Capital, quỹ đầu tư tư nhân quản lý 180 tỉ đô la, công bố đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu đô la vào tập đoàn Masan. Dù thị trường mua bán sáp nhập (M&A) tuy chịu ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, nhưng số lượng các thương vụ lớn lại chiếm nhiều hơn.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng chảy vào trên là hoạt động bán ròng của khối ngoại, đặc biệt là cá nhân, trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm.

Dù vậy, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapita, trao đổi bên lề hội nghị nhà đầu tư vừa qua, đánh giá đây là động thái không đáng ngại vì đây là hoạt động chốt lời, thu hồi vốn sau khoảng thời gian thị trường tăng điểm tích cực. “Với kỳ vọng lợi nhuận tốt hơn nhiều vào năm sau thì nhà đầu tư ngoại có thể quay trờ lại. Nhưng các nhà đầu tư tổ chức nhìn nhiều về cơ hội trong mục tiêu dài hạn chứ không kiếm lời trong 3 hay 6 tháng”, bà chia sẻ thêm.

Hoạt động tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: H.Như

Giá trị dài hạn của Việt Nam nằm ở đâu?

Việt Nam có những đặc trưng mang nét hấp dẫn riêng. Tại Hội thảo Triển vọng thị trường năm 2023 dành cho các khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC Việt Nam mới đây, ông Tim Evans, CEO của ngân hàng này đánh giá rằng Việt Nam đang ở trong bước chuyển từ thị trường sản xuất, xuất khẩu giá rẻ sang tăng cường giá trị của sản phẩm.

“Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp hơn, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng”, báo cáo về dòng vốn FDI khu vực ASEAN của HSBC lưu ý, với điểm nhấn là dòng vốn hiện nay chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất.

Đánh giá thêm về hoạt động xuất khẩu, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC nói rằng một lợi thế của Việt Nam là đa dạng về sản phẩm và không phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào, trong khi các linh kiện điện tử đang ở trong chu kỳ phát triển tốt.

Mặt khác, một ưu điểm nữa là tiềm năng trở thành thị trường tiêu thụ nội địa có quy mô không nhỏ. Nhà phân tích ngồi tại trụ sở HSBC ở HongKong, cho rằng sức tiêu thụ đang lớn dần hơn sau giai đoạn tích lũy tài sản trong thời gian qua. Mặc dù gặp trục trặc trong ngắn hạn nhưng khi kinh tế phục hồi, sức tiêu thụ này được kỳ vọng hồi phục khi triển vọng người tiêu dùng trở nên lạc quan hơn.

Dòng vốn chảy về thị trường Việt Nam cũng được kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán đi lên trong dài hạn, khi được hưởng lợi từ vốn ngoại. Theo nhóm phân tích của MSVN, triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là điểm nhấn đầu tư mạnh mẽ giúp định hình lại thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024 – 2025, từ đó có tác động tích cực là giúp dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường.

Chia sẻ với KTSG Online bên lề hội nghị đầu tư, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, cho biết với các nhà đầu tư ngoại, mối quan tâm của họ nằm ở câu chuyện quản lý nhà nước và biến số thị trường.

Trong đó, các vấn đề hiện nay là chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản), thanh khoản thị trường (đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp), và cuối cùng là mối quan tâm về lạm phát, lãi suất và tỷ giá.

Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng đây chỉ là những biến động trong ngắn hạn, còn nền tảng kinh tế vẫn ổn định trong dài hạn mới là điều đáng lưu tâm. “Lạm phát, lãi suất và thanh khoản là rủi ro mà nhà đầu tư cân nhắc trong thời gian tới. Nếu lợi ích vượt qua các rủi ro đó thì nhà đầu tư sẽ tiếp tục rót vốn”, ông nói.

Một thách thức lớn khác được khối ngoại lưu tâm nhiều là câu chuyện lao động. Theo CEO của HSBC Việt Nam, việc tìm kiếm đội ngũ nhân sự là khó khăn và luôn ở trong tình trạng thiếu hụt. Lợi thế về chi phí giá rẻ sẽ không còn, thay vào đó là yêu cầu về “năng suất cao hơn”.

Ở góc độ huy động trên thị trường vốn, đại diện MSVN cũng lưu ý việc gọi vốn quốc tế không dành cho số đông, mà chỉ tập trung ở một số tập đoàn lớn. Điều này là do các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một sô hạn chê nhất định vê mặt kỹ thuật, ví dụ như chất lượng của hoạt động công bô thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm tiêp xúc với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, một vấn đề liên quan nữa là việc thực thi các chính sách chưa đồng bộ trong khâu thu hút vốn và quản lý dòng vốn đó. Một ví dụ điển hình như một số địa phương chưa triển khai đồng bộ khiến doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn trong việc triển khai dự án.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực cũng được nêu lên là giới quản lý đã cam kết và đang thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay trên nhiều lĩnh vực. “Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tăng tính minh bạch và tích cực giải quyêt các vướng mắc cho nhà đâu tư”, lãnh đạo MSVN nói.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới