Chủ Nhật, 28/04/2024, 02:04
33 C
Ho Chi Minh City

Diễn đàn ACD: Lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên hợp tác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Diễn đàn ACD: Lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên hợp tác

Ngọc Lan

Thứ trưởng ngoại giao Lê Lương Minh (ngồi, bên trái) ký hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao/ công vụ của hai nước với Chính phủ Kuwait hôm 13/10/2012 – Ảnh: T.K

(TBKTSG Online)- Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối thoại châu Á (ACD) lần thứ nhất diễn ra tại Kuwait  từ ngày 15 đến ngày 17-10 mà Việt Nam là một trong số 32 thành viên, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh về những vấn đề mà các quốc gia quan tâm tại hội nghị này.

TBKTSG Online: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về nội dung và ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh ACD lần thứ nhất, nâng cấp Diễn đàn ACD sau 10 năm ở cấp bộ trưởng ngoại giao?

– Thứ trưởng Lê Lương Minh: Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức theo sáng kiến của Quốc vương Kuwait. Trước đây, các cuộc họp của ACD mới dừng ở cấp bộ trưởng ngoại giao. Đây là dấu mốc quan trọng của ACD nhằm khẳng định vai trò của một diễn đàn đối thoại liên Á với mục tiêu kết nối và thúc đẩy sự phát triển của châu Á, xác định những trọng tâm hợp tác cụ thể, tìm kiếm một cơ chế điều phối, hợp tác thực sự hiệu quả cho ACD.

10 năm đủ dài để nhìn lại những thành quả và hạn chế của Diễn đàn ACD. Vì vậy, các ý kiến trao đổi tại hội nghị lần này tập trung đánh giá những thách thức của châu Á để từ đó định hình phương hướng hợp tác cho ACD. Việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác tài chính, thúc đẩy đầu tư, thương mại khu vực là những vấn đề cấp bách của châu Á nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, còn nhiều khó khăn; các vấn đề môi trường, khí hậu tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nhiều quốc gia đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ ở nhiều cấp độ.

Các ý kiến tại hội nghị đều nhận thấy để đảm bảo cho hợp tác thành công ở những lĩnh vực này đòi hỏi sự kết nối của khu vực, kết nối về cơ sở hạ tầng, kết nối về chính sách, thể chế, kết nối về con người qua các hoạt động trao đổi văn hoá, giao lưu. Tại hội nghị, nhiều nước cho rằng mô hình điều phối của ACD cần cải tiến để điều phối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác.

Các quốc gia thành viên ghi nhận những thành tựu ACD đạt được trong thời gian qua và bày tỏ quan tâm đối với cơ chế hợp tác này. Nhiều sáng kiến, đóng góp đã được đưa ra trong đó nổi bật là sáng kiến của Quốc vương Kuwait về thành lập một quỹ phát triển có giá trị 2 tỉ đô la Mỹ, trong đó Kuwait sẽ góp 300 triệu đô la, nhằm cung cấp nguồn tài chính cho các dự án phát triển của các nước châu Á. Hay việc thành lập nhóm công tác về kết nối khu vực để xây dựng lộ trình kết nối của khu vực đối với hợp tác ACD.

Tôi đánh giá cao kết quả này và cho rằng những đồng thuận mà các nước đạt được trong Tuyên bố chung Kuwait là cơ sở triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Xin ông nói rõ về vai trò của Việt Nam trong hợp tác ACD và tại hội nghị thượng đỉnh ACD lần này?

– Việt Nam là sáng lập viên của ACD và là điều phối viên ở hai lĩnh vực hợp tác xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam đã tổ chức một số hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên ACD trên hai lĩnh vực này. Ta đã đưa ra tài liệu ý tưởng về xoá đói giảm nghèo, tham gia tích cực các lĩnh vực hợp tác khác của ACD như phát triển nông nghiệp, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường và trao đổi văn hoá. Việc Việt Nam tham gia ACD còn tạo điều kiện tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và nhiều nước thành viên khác.

Tại hội nghị lần này, Việt Nam chia sẻ nhiều quan điểm về thách thức an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và sự cần thiết phải đánh giá vấn đề này trong mối quan hệ nhân quả với nhau để tránh phải đánh đổi lợi ích về lâu dài.

Ngoài ra là các vấn đề nâng cao khả năng thích ứng với biến động của kinh tế thế giới qua các chương trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng cường kết nối khu vực. Đối với hợp tác ACD, quan điểm của Việt Nam là cần phải lựa chọn ưu tiên hợp tác để tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo tính liên tục trong các lĩnh vực hợp tác, có thể nhân rộng mô hình hợp tác song phương hiệu quả trong khuôn khổ ACD. Về dài hạn, ACD cần nâng cao hơn nữa vai trò kết nối giữa các cơ chế hợp tác khu vực đang tồn tại hiện nay ở châu Á.

Nước chủ nhà Kuwait đã có nhiều cố gắng để tổ chức và nâng tầm diễn đàn ACD lên một tầm cao mới. Trong quan hệ song phương với Việt Nam, hai bên đã và đang có những hành động thiết thực gì để thúc đẩy mối quan hệ này ngày một hiệu quả hơn?

– Việt Nam và Kuwait đã có những bước đi dài trong quan hệ ngoại giao và kinh tế. Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt 837 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 13 lần so với năm 2009.

Tổng công ty Dầu khí Kuwait (KPC) đang tham gia dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn trị giá 6 tỉ đô la và cam kết cung cấp dầu thô dài hạn cho nhà máy.

Kuwait là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên (từ năm 1979), liên tục cấp các khoản vay ưu đãi phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng cho các vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam thông qua Quỹ Kuwait Phát triển Kinh tế Ả-rập.

Đến nay, 10 dự án với tổng giá trị trên 140 triệu đô la Mỹ được phía Kuwait cấp vốn đã và đang phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam.

Về khuôn khổ hợp tác, hai nước đã tiến hành kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp tháng 12/2009; ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (13/10/2012); đang xem xét khả năng ký kết các hiệp định hợp tác ngân hàng, lao động và kiểm dịch thực phẩm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới