Thứ Ba, 21/05/2024, 01:20
33 C
Ho Chi Minh City

Dò dẫm trên ‘đường đua’ đến đại học số

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các trường đại học xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung cho các trường đại học (MOET-MOOC), cơ quan này cũng đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Trên thực tế, nhiều năm qua, một số trường đại học đã vừa làm vừa học hỏi vì không có hình mẫu. Ngoài những khó khăn về nguồn lực tài chính, công nghệ còn có một thách thức lớn khác, đó là sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo.

Hiện đã có nhiều trường cung cấp các chuyên ngành học đại học trực tuyến. Ảnh minh họa: DNCC

Đại học số được hiểu là ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong quản trị điều hành và dạy học của trường đại học. Còn đại học trực tuyến là cung cấp loại hình đào tạo từ xa, sinh viên có thể không cần đến trường, học qua mạng cũng có thể hoàn thành chương trình học. Nhưng để đào tạo đại học trực tuyến thì trường đại học phải ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ.

Từ đại học tự phát đến chương trình thí điểm

FPT là một tập đoàn công nghệ, đã mở trường đại học FPT từ năm 2006 nhằm cung cấp nhu cầu nhân lực cho nội bộ cũng như cho thị trường nhân lực. Sau gần chục năm mở trường đại học truyền thống (dạy và học tập trung), FPT đã mở thêm trường đại học trực tuyến FUNiX vào cuối năm 2015. Vào thời điểm ra mắt, FUNiX là trường đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam cung cấp bằng cử nhân công nghệ thông tin, các chứng chỉ nghề nghiệp và kỹ năng mềm. Với hình thức học được cho là tiện lợi, việc học học hoàn toàn trực tuyến, FUNiX được kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo mới, tiện lợi để thu hút được đông đảo sinh viên học ngành công nghệ nhằm đáp ứng được cơn khát nhân lực của thị trường này…

Song, thực tế số lượng sinh viên tham gia học trực tuyến tại FUNiX chưa nhiều như kỳ vọng và tính toán của những người sáng lập đại học này (sau 7 năm thành lập đào tạo được 23.000 học viên từ 34 quốc gia). Nguyên nhân được cho là người Việt chưa quen với học đại học trực tuyến, tự học…

Bên cạnh đó, học FUNiX các sinh viên cũng không được cấp bằng đại học. Sinh viên học tại FUNiX có nhu cầu lấy bằng đại học sẽ gửi yêu cầu xét miễn môn tương đương để được rút ngắn thời gian học tại đại học công nhận chương trình học của FUNiX (như đại học FPT) để học tiếp để lấy bằng đại học chính quy… Đây được coi là bất tiện của học đại học trực tuyến này.

Thực tế cho thấy, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, để phổ biến việc học trực tuyến tại Việt Nam không phải chuyện dễ dàng. Song, Covid-19 buộc mọi người phải học trực tuyến đã làm thay đổi nhận thức về tính hiệu quả của phương thức học này. Covid-19 đã thúc đẩy đào tạo trực tuyến phổ biến hơn.

Do đó, hiện nay ngoài FUNiX, hiện có nhiều trường đại học truyền thống trên cả nước mở các chương trình đạo tạo trực tuyến từ xa như Đại học Thương mại Hà Nội, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp… Trường Đại học Mở TP.HCM đã có hơn 15.000 học viên trên cả nước và các quốc gia Malaysia, Philippines… tham gia chương trình cử nhân trực tuyến với 15 ngành đào tạo.

Trong buổi làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chúng ta cần nhiều kỹ sư công nghệ số để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia… Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số tại Việt Nam là 150.000 kỹ sư/năm. Trong khi đó hiện nay, mới đáp ứng được 40-50%. Nhu cầu về nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm. Hiện nay, mới đáp ứng được dưới 20%.

Bộ trưởng Hùng cho rằng đại học số là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay.

Thực tế, hiện Chính phủ xác định sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số trong tương lai. Mà để thực hiện được điều này thì cần phải đẩy mạnh đào tạo nhân lực số. Do đó Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định triển khai thí điểm đại số là một trong những trọng tâm của giai đoạn 2022 – 2025 để giải quyết vấn đề nhân lực số. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban này đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm mô hình đại học số. Lựa chọn 5 trường đại học có thế mạnh đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, CNTT – điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng để triển khai thí điểm, từng bước hoàn thiện mô hình đại học số trước khi nhân rộng.

Cụ thể, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, xây dựng đề án đào tạo nhân lực số.

Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin. Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống dùng chung khoảng 10.000 sinh viên.

Còn nhiều khó khăn để phát triển đại học số

Hàn Quốc là một quốc gia phát triển khá sớm về đại học số. Hàn Quốc đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để thúc đẩy nhanh số lượng nguồn nhân lực.

Từ năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động một dự án thử nghiệm triển khai 5 trường đại học số đầu tiên với mục tiêu là đào tạo được nhiều sinh viên hơn. Đến nay, với khoảng hơn 50 triệu dân, Hàn Quốc đã có khoảng 20 trường đại học số. Trong đó, Đại học số Seoul được xem là trường điển hình của Hàn Quốc và Châu Á. Hàng năm, trường này đào tạo tới 40.000 sinh viên với lựa chọn học trực tuyến hoàn toàn, nâng cao năng lực đào tạo hơn 30% sinh viên so với đào tạo trực tiếp.

Với bước phát triển sớm trong thúc đẩy các trường đại học số trong hơn 20 năm qua, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ thanh niên trong độ tuổi 25 – 34 có trình độ đại học (tương đương với 60%).

Vậy Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy đại học số, cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung này, ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng có ba vướng mắc cản trở phát triển đại học số ở Việt Nam. Thứ nhất là lãnh đạo ngại thay đổi, khi thay đổi sợ sai lầm nên không dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ hai là tính bảo thủ trong giáo dục đại học còn rất cao – giảng viên tự ti, không mạnh dạn đổi mới. Thứ ba là cơ sở vật chất không theo kịp – bởi khi chuyển đại học số, giảng đường, phòng học phải chuyển đổi theo.

Cùng chung quan điểm trên, cung cấp thông tin cho báo chí, ông Trần Hoài An, Chủ tịch hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam cho hay khó khăn lớn nhất để phát triển đại học số của đơn vị này là yếu tố con người, tâm lý ngại thay đổi và trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ chuyên viên chưa tốt.

Còn ông Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cũng cho rằng con người cũng là yếu tố khó khăn để tiến tới đại học số. Bởi sinh viên, phụ huynh vẫn có quan niệm học đại học là phải tới giảng đường… Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề về đại học số cần có lời giải như quy định về đại học số, việc cấp bằng, tổ chức thi cuối kỳ… Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình được thực hiện bằng lớp học trực tuyến, vậy khi giảng dạy số thế nào, việc lưu giữ minh chứng kiểm tra cuối kỳ, cuối năm ra sao…

Ông Quách Thanh Hải, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhìn nhận có những lý do chủ quan và khách quan gây khó khăn và trở ngại trong việc phát triển mô hình đại học số tại Việt Nam. Lý do đầu tiên là sự thiếu quyết tâm về việc xây dựng mô hình đại học số của của nhiều lãnh đạo các trường đại học và đội ngũ quản lý giáo dục tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách và quy định nhà nước về giáo dục số và đại học số còn chưa hoàn thiện, thiếu hoặc chưa ban hành. Ngoài ra, sự chia sẻ và hợp tác giữa các trường đại học, các đơn vị đào tạo trong hệ thống giáo dục của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Lý do khác theo ông Hải là hiện nay chưa có một tiêu chuẩn chung để đánh giá một môn học số. Chính vì vậy, việc công nhận tín chỉ của các khóa học số, khóa học MOOCs của nhau là một trở ngại lớn. Thêm nữa còn thiếu lực lượng giảng viên, chuyên gia và quản lý giáo dục am hiểu về mô hình đại học số. Việc thực hiện chuyển đổi số tại nhiều cơ sở đào tạo còn chậm, nhiều nơi chỉ là hình thức.

Tại Trường Đại học Nha Trang, lãnh đạo trường này cho biết rào cản lớn nhất hiện nay là công nghệ vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được bằng công nghệ như giám sát thi cử từ xa. Mặt khác, chi phí trang bị và duy trì vận hành các hệ thống công nghệ thông tin khá tốn kém. Do đó mong các cơ quan quản lý sớm hoàn chỉnh các thể chế, quy định về đào tạo số, đồng thời hỗ trợ kinh phí và công nghệ trong việc trang bị các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, xây dựng học liệu số…

Còn ông Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công Thương TP.HCM, cho hay hệ thống công nghệ thông tin của trường tại thời điểm hiện tại cũng chưa được chuẩn hóa để có thể đáp ứng được nhu cầu đại học số…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới