Thứ Ba, 21/05/2024, 00:13
33 C
Ho Chi Minh City

Xuất nhập khẩu: nửa nhiệm kỳ nhìn lại

Nguyễn Duy Nghĩa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt đỉnh 500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020; lên 600 tỉ đô la vào năm 2021, thì năm 2022 tiếp tục lập đỉnh mới 700 tỉ đô la, tăng bảy lần so với 15 năm trước – thời điểm Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Năm 2022 với xuất siêu 11 tỉ đô la đã nối dài mạch xuất siêu suốt bảy năm (2016-2022).

Cảng container Cát Lái tại TPHCM. Thương mại với Nga chiếm dưới 1% tổng khối lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng EU chiếm đến 11%. Các tác động dây chuyền của cuộc chiến Ukraine có thể ảnh hưởng đến thương mại và dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam và ASEAN. Ảnh: Reuters

Năm 2006, nước ta xếp thứ 50 thế giới về xuất khẩu và thứ 44 về nhập khẩu thì năm 2021, thứ hạng đó là 23 và 20. Đến năm 2022, các thứ bậc tiếp tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có xuất nhập khẩu lớn nhất toàn cầu.

Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI. sáu tháng đầu năm 2023 xuất siêu 12,2 tỉ đô la nhưng khối doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu 9,8 tỉ đô la, còn khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 22 tỉ đô la.

Chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, và đã bước đầu tận dụng được các FTA này. Năm 2022 là năm thứ tư thực thi CPTPP, tận dụng ưu đãi thuế quan, xuất khẩu sang các thị trường thành viên tăng trưởng từ 75-100% với sản phẩm chủ lực là điện thoại và linh kiện, điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày… Ba năm thực thi EVFTA, nhiều sản phẩm chủ lực xuất sang EU tăng cao. Chưa đầy hai năm thực thi UKVFTA, xuất khẩu vào Anh tăng mạnh. RCEP là FTA mới nhất có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã được tận dụng ngay để tăng xuất khẩu vào các thị trường thành viên, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc…

Nhưng từ đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu trở nên khó khăn vì nhu cầu của các đối tác thương mại chính suy yếu do lạm phát, lãi suất cao… Nhìn lại sáu tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ được 316,6 tỉ đô la, bằng 84,8% so với cùng kỳ năm 2022. Chung xu hướng với xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đáng chú ý là nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ lại tới 56.298 chiếc trong khi sáu tháng đầu năm 2022 là 49.036 chiếc, chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.

Thương mại toàn cầu tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn rủi ro. Khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu còn tiếp diễn…

Các nhà nhập khẩu vẫn đang xé nhỏ đơn hàng thay vì chốt đơn “cả năm” như trước, thời gian giao hàng gấp, giảm giá gia công. Doanh nghiệp trong nước phải nhặt nhạnh đơn hàng lẻ, cầm chừng hoặc ngừng hẳn; giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với công nhân; dẫn tới giảm nhập khẩu nguyên liệu.

Do sáu tháng đầu năm 2023 “thất bát”, gánh nặng dồn cho sáu tháng cuối năm – phải nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2023, làm động lực cho hai năm còn lại hoàn thành nhiệm vụ năm năm 2021-2026 ở mức cao nhất.

Giải pháp trong nửa nhiệm kỳ tới là:

(1) Hoàn thiện chính sách nhằm vào thị trường, hướng về doanh nghiệp.

(2) Tiếp tục khai thác hiệu quả các FTA, củng cố, đa dạng hóa thị trường, có đối sách giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại.

(3) Sử dụng hiệu quả mọi nguyên vật liệu, khai thác nguồn thay thế nhập khẩu. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; kiểm soát nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu.

(4) Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề trong thương mại quốc tế; thuận lợi hóa thương mại, ứng dụng số hóa; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn; thực hiện khuyến nghị của EC về thẻ vàng đối với hải sản.

(5) Nâng cao tính chuyên nghiệp của xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin, kết nối đối tác…

Bên cạnh đó, về dài hạn, cần nhìn lại những bất cập cố hữu của nền sản xuất trong nước để khắc phục. Đó là:

(1) Năng lực sản xuất công nghiệp nội địa chậm được cải thiện, đặc biệt là các ngành có tính nền tảng, then chốt; doanh nghiệp Việt Nam chưa được tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

(2) Liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI chưa có chiều sâu, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chậm cải thiện.

(3) Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI. Cán cân thương mại sáu tháng đầu năm 2023, tiếng là xuất siêu 12,2 tỉ đô la nhưng thực sự khối doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu 9,8 tỉ đô la, còn khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 22 tỉ đô la.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới