Thứ Năm, 2/05/2024, 17:18
33 C
Ho Chi Minh City

‘Văn hóa cơ hội’ giết chết cơ hội phát triển

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Do tình hình thu hút du khách đến thành phố đảo Phú Quốc ngày càng gặp khó khăn, cuối tuần qua, UBND tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch địa phương, Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, các hãng hàng không về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch Phú Quốc trong thời gian tới.

Các con số được báo chí dẫn từ cuộc họp này cho thấy bức tranh du lịch của “đảo ngọc” khá ảm đạm. Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay, Phú Quốc là một trong số ít các điểm du lịch trong nước có lượng khách sụt giảm so với năm ngoái.

Trong năm ngày dịp lễ này, Phú Quốc đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ, tổng thu khoảng 132,5 tỉ đồng, giảm 24%. Tỷ lệ kín phòng chỉ đạt gần 60%. Dịp lễ 2-9 mới đây, tình hình càng xấu hơn. Phú Quốc chỉ đón khoảng 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ, trong đó chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế. Lượng khách lưu trú chỉ hơn 19.000 lượt, giảm 38,6% và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%(*).

Chỉ cách đây không lâu, số liệu cho thấy sau khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, trong năm 2022 Phú Quốc đã đón 4,7 triệu lượt khách, tỷ lệ kín phòng luôn ở mức 80-90%, kể cả vào mùa vắng khách. Hãng hàng không Vietjet Air đưa ra số liệu, năm 2022 mỗi ngày hãng này có 40 chuyến bay ra đảo, thậm chí đến 150 chuyến vào thời kỳ bùng nổ. Thế nhưng sang năm 2023, mỗi ngày hãng chỉ còn khoảng 26 chuyến bay đến Phú Quốc.

Lý do khiến lượng du khách sụt giảm mạnh được nêu ra nhiều nhất tại cuộc họp này là giá vé máy bay đến Phú Quốc quá cao. Tình hình quản lý chưa tốt như taxi chặt chém, giá cả hải sản và dịch vụ đắt đỏ cũng là những nguyên nhân được chỉ ra…

* * *

Câu chuyện Phú Quốc gợi chúng ta nghĩ về cái gọi là “văn hóa cơ hội” của người dân địa phương nơi điểm đến. Người dân địa phương không phải tận dụng cơ hội khai thác du lịch của điểm đến một cách thận trọng và bền lâu mà là lợi dụng nó để thu lợi cho bản thân và họ thực sự đã vắt kiệt túi tiền lẫn sự hài lòng mà du khách vốn dĩ phải được tận hưởng. Sự tắc trách của chính quyền địa phương trong việc thả nổi quản lý hoạt động khai thác du lịch đã khiến tình trạng chặt chém tràn lan và hỗn loạn.

Ai đi du lịch cũng muốn để được vui, được nghỉ ngơi, xả hết những căng thẳng do công việc nhưng khi bước chân lên taxi, vào quán ăn, mua vé, mua quà… thứ gì cũng bị hét giá. Một Phú Quốc thiên nhiên tuyệt mỹ bỗng chốc tan biến nhường chỗ cho sự bất bình, chán ngán và khó có người nào nghĩ sẽ trở lại nơi này.

Chuyện du khách bị chặt chém ở Phú Quốc không phải là hiếm mà nó diễn ra ở rất nhiều điểm đến. Không ít nơi ở Hà Nội, có một thông điệp bất thành văn trong giới kinh doanh dịch vụ và hàng quán: “Cứ nghe giọng miền Nam thì lấy giá cao hơn bình thường”. Mỗi mùa cao điểm du lịch, hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội được mở ra tưng bừng khắp các thành phố, điểm đến du lịch ngõ hầu “thết đãi” du khách, kích cầu du lịch địa phương nhưng nhà tổ chức hầu như đã quên tính tới một chuyện: du khách đón nhận như thế nào, họ sẽ hài lòng tới đâu? Bởi không có sự hài lòng thì cũng không có cơ hội quay trở lại.

Trở lại Phú Quốc, hẳn còn tiêu tốn nhiều thời gian họp mới có phương án khả dĩ để cứu lấy du lịch của đảo ngọc nhưng nên chăng hãy cứu vãn một cách căn cơ hơn: giải bài toán quản lý giá du lịch tại địa phương nhằm chấm dứt nạn chặt chém du khách vô tội vạ. Làm sao để giá dịch vụ lưu trú, giá ăn uống, giải trí tại điểm đến mùa thấp điểm hay cao điểm vẫn được ổn định. Làm sao để du khách nhận được sự đối đãi lịch sự, chu đáo trong các dịch vụ mà họ trải qua, để họ vui vẻ trả tiền và mong mỏi ngày trở lại. Các tổ chức hiệp hội du lịch địa phương, chính quyền địa phương hơn ai hết giữ vai trò chính trong việc giải bài toán này.

(*) https://tuoitre.vn/kien-giang-hop-tim-cach-cuu-du-lich-phu-quoc-20231014132914022.htm

5 COMMENTS

  1. He he, quả có hơi chạnh lòng khi nghe nói về Hà Lội của tui. “Không ít nơi ở Hà Nội, có một thông điệp bất thành văn trong giới kinh doanh dịch vụ và hàng quán: “Cứ nghe giọng miền Nam thì lấy giá cao hơn bình thường”.
    Nhưng mà bạn, quán xá giờ có bảng giá hết trơn rồi mà. Chẳng may bị “chặt” thì cứ từ từ rút êm, đừng quạu, rồi tìm cách phản ứng sau (ra thẳng UB phường nếu gần, hoặc cho lên fb). Quán ở Hà Lội giờ cũng sợ tai tiếng lắm, cạnh tranh dữ mà.
    Mà lâu lâu rồi, đâu có thấy vụ chặt chém nào ở Hà Lội đâu ?

  2. Cơ hội thì phải nắm bắt. Nhưng chủ nghĩa cơ hội thì nên tránh. Phú Quốc, tuy rất nhiều tiềm năng, nhưng đã bị sai bài ngay từ đầu, nhất là khâu quy hoạch theo tiêu chí : Sạch/ Xanh/ Chuẩn. Mọi thứ vẫn chưa hết cơ hội, nếu biết làm mới lại những gì đã cũ và lạc hậu. Không cần làm tràn lan, phải lựa chọn trọng tâm trọng điểm để xử lý. Hi vọng đảo ngọc sẽ lấy lại tên tuổi, nhất là sự mến mộ trong lòng du khách.

  3. Không chỉ ở Phú Quốc mà các nơi như Đà Lạt, Vũng Tàu v.v đều có các quán, các chỗ kinh doanh chặt chém. Nhân viên các quán này đều là người địa phương, nhưng người chủ thì ở nơi khác đến và những người chủ mang truyền thống chặt chém từ nhà của mình tới nơi kinh doanh mới.

  4. Thật buồn cho bức tranh du lịch Phú Quốc. Trong kinh doanh ngời ta thường nói đến 4 cữ T. Đó là TÂM, TÍN, TÀI, TIỀN. Có TÂM, có TÍN, có TÀI ắt có tiền. Đằng này chính quyền địa phương “thả nổi” cho các thương gia kinh doanh chặt chém du khách, nhất là về mặt ẨM THỤC. Khách hàng không còn là THƯỢNG ĐẾ nữa mà trở thành người “TỊ NẠN” khố khổ, hết vui, hết tiền… Tôi đã đến Phú Quốc nhiều lần, nhưng Phú Quốc hôm nay không còn là “đảo ngọc” như bao người mong ước. Đúng như cha ông đã nói “Một sự bất TÍN vạn sự bất TIN”. Để lấy lại uy tín cho Phú Quốc cần tiến hành đồng bộ về các cơ quan, ban ngành chức năng vào cuộc. Gía vé máy bay, vé tàu, khách sạn, vé tham quan, ăn uống… cần được xem xét định giá lại cho phù hợp trong bối cảnh chung của cả nước. Và quan trọng hơn nữa là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cần được đào tạo bài bản, các chủ nhà hàng cần được trang bị những kiến thức tối thiểu về kinh doanh, đạo đức,.. và phải luôn thân thiện với khách hàng, đừng vì hám lợi trước mắt mà “tham một nắm, bỏ một mớ”. Nhà văn LÊ XUÂN

  5. Rất nhiều thứ đều cần phải biết tự “lột xác”. Sớm chấm dứt kiểu “ăn mày dĩ vãng/ ăn xổi ở thì/ ăn cơm trước kẻng…”. Du lịch bây giờ giống như trăm hoa đua nở. Mạnh ai nấy làm. Tay chơi amateur, lẫn lộn tùng phèo với những người làm chuyên nghiệp. Thật giả khó lường. Cần có một chiến lược sàng lọc, chuẩn mực và chuẩn hóa, kiên trì và kiên quyết, thì mới mong xoay chuyển tình thế được.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới