Thứ Năm, 2/05/2024, 13:14
33 C
Ho Chi Minh City

Trĩu nặng những vết ‘xước’

Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Báo chí tuần qua đăng tải các bài viết vụ PGS.TS. Đinh Công Hướng, giảng viên trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia) bị tố bán nhiều bài nghiên cứu khoa học, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo thống kê của MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục ngành toán của Hiệp hội Toán học Mỹ), tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên trường Đại học Thủ Dầu Một. Một số bài báo, ông Đinh Công Hướng là tác giả duy nhất, nhưng không ghi địa chỉ đơn vị công tác của mình là trường Đại học Quy Nhơn.

“Bụng đói đầu gối phải bò”, nhà khoa học không ngoại lệ, được nhiều người dõi theo vụ việc trên chia sẻ, bày tỏ sự thấu cảm trước việc làm chẳng đặng đừng. Trong dông bão thị trường, một bộ phận các nhà khoa học, giảng viên là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư hết ngày đến đêm, đứng lớp, ngồi hội đồng, “chạy” về địa phương lên lớp bồi dưỡng, “viết thuê”, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh,… kiếm sống.

Đâu là “lằn ranh” đỏ, giới hạn tương đối, phụ thuộc vào hệ quy chiếu cá nhân. Giữa lẽ đời và quy phép, giữa nhận về và cống hiến – quy luật muôn đời – khó thống nhất, có khi phủ định nhau. Chuyển động của cuộc sống, chọn hướng ưu tiên, kết quả từ đấu tranh cá nhân và tác động khách quan. Năng lượng hữu hạn và bảo toàn, nên, tập trung cao mục tiêu A đồng nghĩa các mục tiêu còn lại năng lượng bị vơi đi. Theo một trạng thái khác, khi chấp nhận nghiên cứu vì mưu sinh, đó là động lực, nhưng, thêm một quy luật, đỉnh cao của chân – thiện – mỹ, kích hoạt năng lượng ẩn, có thể vượt hạn, dẫn tới sáng tạo vượt trội, những cống hiến đặc biệt cho cộng đồng, đất nước, nhân loại. Giá trị đó, từ bao đời nay, gọi tên những nhà khoa học liêm chính, tỏa sáng, hậu thế mãi tri kính.

Cơ chế trong nghiên cứu khoa học hiện nay, vừa ràng buộc nhà khoa học với đủ thủ tục, giấy tờ minh chứng “trình” kế toán, vừa eo hẹp đầu tư, chi trả thù lao cho những công trình nghiên cứu thấp, lương của các nhà khoa học chưa đảm bảo để họ toàn tâm, toàn ý với công việc.

Bán bài báo khoa học, lùm xùm chuyện nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứu là giọt nước làm tràn ly sự chậm chân cơ chế, chính sách, lẽ ra phải có từ lâu, để nhà khoa học yên tâm phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân!

Vai trò của các hiệp hội, đoàn thể trên lĩnh vực gắn kết các nhà khoa học đã, đang tham gia hoạt động nghiên cứu, cần phát huy. Nói lên nguyện vọng chính đáng của các nhà khoa học, cùng với họ, kiên trì góp ý, đòi hỏi để ngành chức năng ban hành cơ chế thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển tốt nhất.

Liêm chính học thuật cần nuôi dưỡng, vun trồng của cá nhân và cơ quan quản lý. Giám sát, kiểm tra chặt chẽ để nhà khoa học vững vàng trách nhiệm. Đồng thời, “bao bọc” kín kẽ, giúp công tác nghiên cứu khoa học vận hành với tốc độ cao nhưng tuân thủ luật lệ áp dụng.

Nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học là cuộc chạy tiếp sức, thế hệ sau luôn cần được giáo dục bằng gương sáng của các nhà khoa học chân chính. Chứ “bán – mua” thì đừng trách sao giới trẻ thực dụng!

Hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, truyền thống cần cù – hiếu học – thông minh luôn là niềm tự hào của mỗi người con nước Việt. Viết tiếp trang sử vàng đó, trách nhiệm không của riêng ai. Trong bối cảnh hiện nay, không thể lấy tư duy lỗi thời quản lý cho tầng cao nhất của kiến trúc thượng tầng.

Bao giờ thay đổi, hay mãi trĩu nặng vết “xước”, còn đó câu hỏi và niềm day dứt khôn nguôi…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới