Thứ Hai, 20/05/2024, 23:00
33 C
Ho Chi Minh City

Thách thức ngày càng lớn trong thu hút dòng vốn ngoại

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình thích nghi với bối cảnh mới khi chính sách ưu đãi lớn cho nhà đầu tư là thuế sắp không còn tác dụng và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước ngày càng gay gắt hơn.

Trong khi đó hạ tầng sản xuất, nhất là hạ tầng sản xuất “xanh” được đánh giá chưa được cải thiện nhiều; các vấn đề thủ tục hành chính lại còn bị nhà đầu tư than phiền là có chiều hướng xử lý chậm lại và quy trình phức tạp hơn…

Nhiều thách thức phía trước để Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại chất lượng trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Sụt giảm dòng vốn đến từ việc mở rộng sản xuất

Sau quí 1 bị giảm mạnh, dòng vốn đầu tư của tháng thứ 4 trong năm nay có sự chuyển biến và thay đổi rõ rệt hơn. Đó là vốn đầu tư mới và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tăng lên cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm nay có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỉ đô la, lần lượt tăng 65,2% và tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, có 1.044 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỉ đô la, tăng 1,8% về số lượng và tăng 70,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu có xu hướng sụt giảm do quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ thì nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước vẫn có sức hút mạnh mẽ để nhà đầu tư tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên có một điểm cần chú ý về dòng vốn ngoại cam kết trong 4 tháng đầu năm nay là việc rót thêm vốn mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư hiện hữu bị sụt giảm mạnh. Cụ thể theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, dù có 386 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5%) nhưng tổng vốn tăng thêm chỉ đạt 1,66 tỉ đô la, giảm đến 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này theo giới quan sát là điều đáng lo ngại trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ liên tiếp trong thời gian qua, dù dòng vốn ngoại mới cam kết bị sụt giảm do ảnh hưởng khó khăn chung của thể giới nhưng các nhà đầu tư đang hoạt động vẫn tiếp tục tin tưởng mở rộng đầu tư. Nhờ đó mà kéo dòng vốn ngoại chung lên cao.

Mặt khác, sự thành công và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư hiện hữu ở thị trường trong nước theo các chuyên gia sẽ là “minh chứng sống” và là các “đại sứ” hiệu quả để nền kinh tế gần 100 triệu dân thu hút thêm các nhà đầu tư khác quan tâm, tin tưởng đến Việt Nam đầu tư kinh doanh. Cho nên, sự sụt giảm mạnh dòng vốn này sẽ khiến cho những nhà đầu tư chưa đến sẽ tiếp tục do dự trong quyết định rót vốn vào Việt Nam.

Bởi lẽ việc sụt giảm vốn điều chỉnh mở rộng phần nào cũng thể hiện những doanh nghiệp đầu tư đang hoạt động có thể cũng đang gặp khó khăn. Mặt khác, các nhà đầu tư hiện hữu vẫn đang lo lắng để tiếp tục tăng vốn, mở rộng đầu tư.

Do bị sụt giảm mạnh vốn điều chỉnh của doanh nghiệp đang hoạt động nên đã kéo vốn ngoại chung cam kết trong 4 tháng đầu năm nay bị sụt giảm theo. Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỉ đô la, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nỗi lo lắng của nhà đầu tư

Thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có những ghi nhận và đánh giá rất cao việc Chính phủ có những nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp FDI cần được tháo gỡ, nhất là khâu xử lý các thủ tục hành chính ở một số địa phương hiện có xu hướng chậm lại và các quy trình có chiều hướng phức tạp hơn…

Các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sư lo lắng khi khâu xử lý các thủ tục hành chính ở một số địa phương chậm lại và quy trình phức tạp hơn…  Ảnh minh họa về sản xuất của một doanh nghiệp FDI.

Cụ thể theo ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, khi đầu tư vào TPHCM, thành phố đã trao quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) là cơ quan một cửa cho tất cả các nhà đầu tư trong khu này. Đây là một trong những chỉ số thành công quan trọng thu hút quyết định đầu tư của Intel tại đây.

“Chúng tôi hy vọng cơ chế một cửa có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy chữa cháy, xây dựng, môi trường,…”, ông Kim kiến nghị, và tin rằng cơ chế một cửa là quan hệ đối tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để cho phép tăng trưởng hiệu quả và bền vững.

Tương tự, theo ông Chủ tịch AES, kế hoạch đầu tư của Tập đoàn AES chỉ khả thi nếu có các chính sách và khung pháp lý thuận lợi của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, lãnh đạo AES hy vọng rằng công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra tại Việt Nam sẽ giúp đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xem xét phê duyệt cho các dự án năng lượng hiện tại và tương lai nói chung và dự án điện tái tạo nói riêng.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), cũng cho rằng bên cạnh đóng góp lợi ích tài chính, các doanh nghiệp Mỹ cũng luôn mong muốn đóng góp kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp cho Việt Nam. Vì vậy, Amcham kiến nghị chính phủ tạo điều kiện cho việc nhập cảnh được thông suốt, trong đó có tạo điều kiện cho nhập cảnh của khách du lịch sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, về phía cộng động doanh nghiệp Nhật Bản, ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch ủy ban kinh doanh Nhật Bản – Việt Nam tại Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), mong muốn chính phủ quan tâm hơn đến môi trường đầu tư như sự chậm trễ trong việc phê duyệt cho các dự án đang diễn ra.

Hay ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) ở Hà Nội, cho rằng khảo sát của JETRO, cho thấy gần 50% số doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Tuy nhiên, đại diện Jetro phản ánh 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có xu hướng chậm lại. Do đó các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch. Và Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, tài chính nếu môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư tại Việt Nam đang gặp khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy…

Để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Kim Sung Hun đề xuất các bộ ngành, địa phương giảm thủ tục hành chính về xây dựng, phòng cháy chữa cháy thông qua tăng thêm các cơ quan có quyền thẩm duyệt và lập hệ thống hỏi đáp trực tuyến.

“Tôi tin rằng nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Hong Sun nói.

Cơ hội chuyển mình để đón dòng vốn mới

Sự suy giảm vốn FDI ở Việt Nam được các nhà phân tích đánh giá rằng không quá quan ngại trong bối cảnh suy giảm chugn về FDI trên toàn cầu. Đây cũng là ảnh hưởng tất yếu đến từ những biến động của thế giới như căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm, thắt chặt tài chính và nguy cơ suy thoái kinh tế… Tất cả những yếu tố này gây tác động tiêu cực cho việc mở rộng kinh doanh, khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu thay đổi đáng kể.

Sau đại dịch, các nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bản địa đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Như Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư. Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài.

Thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện trong nước để tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài được xem là một trong những giải pháp để thu hút và giữ chân doanh nghiệp FDI lớn. Ảnh minh họa: L.Hoàng

Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực cũng dần “tăng nhiệt”, đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Trong bối cảnh này, phân tích về những áp lực trong thu hút FDI của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến dòng vốn chảy vào Việt Nam suy giảm cũng liên quan môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực hấp thụ và sự chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn lớn, bao gồm cả về đất đai, nhân lực, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ…

Đáng chú ý, gần đây là những lo lắng của nhà đầu tư liên quan thuế tối thiểu toàn cầu. Đã có dấu hiệu cho thấy, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tiếp sụt giảm gần đây, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với Mekong ASEAN, cho rằng FDI giảm bởi đây là xu hướng tất yếu, không tránh khỏi khi quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình thích nghi với bối cảnh mới.

Theo chuyên gia ADB, chiến lược thu hút FDI phải thay đổi, từ việc tập trung thu hút FDI từ những tập đoàn lớn và các biện pháp như giảm thuế, giãn thuế có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới.

Cụ thể theo ông Cường, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ gần đây, cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ nỗi lo lắng khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược đầu tư và hiệu quả của dự án mang lại. Do đó, các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp họ duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này.

Đề xuất thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Thay vào đó là cần tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…

Một số ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng.

Ngoài ra, sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới nỗ lực đa dạng hóa của các doanh nghiệp do sản xuất có thể bị gián đoạn nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị suy giảm hoặc gián đoạn.

Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình, thích nghi với bối cảnh mới. Theo ông Nguyễn Minh Cường, một trong những chiến lược ứng phó là Việt Nam cần chuyển nhanh trên bước thang giá trị trong chuỗi sản xuất. Nếu không chuyển mình nhanh chóng sang những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc dòng vốn đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông Cường cho rằng, bài toán cần giải quyết lúc này là xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị. Đáng chú ý là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.

Trước tình hình thu hút FDI chậm lại, nhìn chung, các khuyến nghị đưa ra đều tập trung vào các điểm đột phá gồm hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần sẵn sàng quỹ đất sạch, hạ tầng xanh để đáp ứng nhu cầu của những dự án lớn, sản xuất xanh; phải có những doanh nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài…

Cùng với đòi hỏi cấp bách sớm có phản ứng chính sách đối với thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư cũng cần phải giải quyết những hạn chế, tồn tại như chất lượng lao động, thủ tục hành chính rườm rà và xử lý chậm…

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, người đứng đầu của EuroCham cho rằng không có chỗ cho sự tự mãn. “Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng”, ông Gabor Fluit nói.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới