Thứ Ba, 21/05/2024, 04:47
33 C
Ho Chi Minh City

Mua chứng khoán Mỹ…

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong chuyến đi Mỹ vừa qua, đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và sàn Nasdaq. Những trao đổi hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sàn chứng khoán hàng đầu thế giới không chỉ mở ra hy vọng cho các nhà đầu tư trong nước mà còn là hy vọng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam có thể mua trực tiếp cổ phiếu được niêm yết ở sàn NYSE hay Nasdaq thì bản thân các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam phải tìm cách vận động để thu hút và giữ nhà đầu tư trong nước. Ảnh: Reuters

Thêm lựa chọn cho nhà đầu tư?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện nay dù đã có hơn 1.500 mã cổ phiếu và nhiều ETFs, nhưng với nhiều nhà đầu tư cá nhân, sự lựa chọn vẫn rất hạn chế.

Hạn chế thứ nhất là số lượng doanh nghiệp có chất lượng ít, ở đây là chất lượng lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng. Hiệu suất trung bình giai đoạn 10 năm của MSCI Vietnam là 3,78% trong khi của MSCI USA là 12,71%. Chỉ số Sharpe của MSCI Vietnam 10 năm là 0,23 trong khi của MSCI USA là 0,8.

Hạn chế thứ hai là mức độ rủi ro. Có những doanh nghiệp vốn hóa lớn nhưng mức độ rủi ro lại cao. Chẳng hạn như chỉ số MSCI Vietnam Index tháng 8-2023 cho thấy rủi ro bình quân ba năm gần đây là 22,32%. Trong khi đó của MSCI USA Index tương ứng là 18%, còn MSCI World là 17,56%. Với những nhà đầu tư thận trọng thì mức chênh lệch về rủi ro này là khá lớn.

Hạn chế thứ ba là quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự được bảo vệ khi hiện tượng thao túng, làm giá, giao dịch nội gián vẫn còn khá phổ biến. Làm sao có thể lý giải hiện tượng có những phiên giao dịch giá tăng giảm với biên độ lớn khi không có tin tức gì đặc biệt. Chế tài xử lý các sai phạm trên TTCK dù đã có nhưng chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn, phòng ngừa.

Chính vì vậy mà không ít nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đã tìm đến các sàn chứng khoán quốc tế và dễ dàng trở thành con mồi. Phần lớn các sàn chứng khoán quốc tế này cung cấp các sản phẩm CFDs và toàn bộ chưa có giấy phép hoạt động ở Việt Nam, và do đó rủi ro với nhà đầu tư là rất lớn. Thời gian qua cũng đã có nhiều cảnh báo nhưng nhu cầu đầu tư chứng khoán Mỹ, chứng khoán quốc tế vẫn có thì các nạn nhân sẽ vẫn còn.

Cạnh tranh để phát triển lành mạnh

Trong trường hợp nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam có thể mua trực tiếp cổ phiếu được niêm yết ở sàn NYSE hay Nasdaq thì bản thân các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam phải tìm cách vận động để thu hút và giữ nhà đầu tư trong nước. Sức hút đó là chất lượng của cổ phiếu, là chất lượng của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhiều nền kinh tế đã kết nối TTCK của mình với các TTCK đã phát triển trong đó có Mỹ thì các bài học kinh nghiệm, các thực hành tốt đã có. Việt Nam có lợi thế của người đi sau nhưng cũng cần những quyết tâm và nỗ lực nhất định để rút ngắn thời gian.

Lúc trước, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn, thì họ đành phải chấp nhận một tỷ suất sinh lời thấp hơn so với tiềm năng lẽ ra họ được nhận, và thêm vào đó là mức độ rủi ro cao hơn. Nhưng khi có nhiều sự lựa chọn hơn thì dĩ nhiên họ sẽ tìm đến các cổ phiếu quốc tế tốt hơn, bên cạnh việc đa dạng hóa thêm tính quốc tế của danh mục.

Tiếp cận được trực tiếp cổ phiếu doanh nghiệp Mỹ thì được tiếp cận với nhiều lĩnh vực hơn, chẳng hạn lĩnh vực công nghệ là sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư, trong khi ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam thì cổ phiếu công nghệ rất hạn chế.

Nhà đầu tư cá nhân cũng không thể chấp nhận mãi việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt hay phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Đây có thể xem là một cách nhà sáng lập hay cổ đông lớn “chèn ép” cổ đông nhỏ lẻ. Nhận thêm cổ phiếu nhưng giá cổ phiếu cứ giảm, trở thành nhà đầu tư dài hạn nhưng hy vọng giá cổ phiếu tăng hay được chia cổ tức tiền mặt không nhiều.

Nếu nhà đầu tư cá nhân Việt Nam mua được cổ phiếu ở Mỹ thì ngược lại nhà đầu tư Mỹ cũng có thể mua trực tiếp cổ phiếu Việt Nam. Muốn như vậy thì tính minh bạch, hoạt động quản trị của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện rất nhiều. Một yêu cầu đơn giản là các báo cáo tài chính, các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp phải có ngôn ngữ tiếng Anh, đồng thời công bố các báo cáo tài chính định kỳ theo luật định.

Kiểm soát các quan ngại

Việc kết nối giữa hai TTCK sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho nhà đầu tư trong nước, nhưng với một thị trường có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, lại non trẻ so với thị trường lâu đời như Mỹ thì sự thận trọng từ phía Việt Nam là không thể bỏ qua.

Đó là khả năng các dòng tiền nóng gia nhập thị trường: đi vào nhanh thì đi ra cũng nhanh, và do đó việc kiểm soát dòng vốn (capital flow) phải có tính toán cân nhắc. Chúng ta đã có bài học từ cuộc khủng hoảng thị trường tài chính châu Á năm 1997 khi dòng vốn không được kiểm soát ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và khả năng chịu đựng với các cú sốc kém.

Với tiềm lực vốn mạnh, các công cụ giao dịch tiên tiến, không loại trừ khả năng nhà đầu tư chuyên nghiệp Mỹ tham gia vào việc thâu tóm hay thao túng giá cổ phiếu. Rất có thể đến khi đó, Việt Nam đã cho phép việc bán khống và nới lỏng việc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Mong muốn TTCK Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng hơn với thị trường tài chính quốc tế là hết sức chính đáng. Các nhà đầu tư trong nước sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có chất lượng và tiềm năng có thêm cơ hội phát triển.

Nhiều nền kinh tế đã kết nối TTCK của mình với các TTCK đã phát triển trong đó có Mỹ thì các bài học kinh nghiệm, các thực hành tốt (best practice) đã có. Việt Nam có lợi thế của người đi sau nhưng cũng cần những quyết tâm và nỗ lực nhất định để rút ngắn thời gian.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới