Thứ Hai, 20/05/2024, 20:02
33 C
Ho Chi Minh City

Linh hoạt về văn hóa là một lợi thế cạnh tranh

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sự hiểu biết, nhạy cảm về văn hóa trong môi trường công ty đa quốc gia là lợi thế cạnh tranh của cả nhân viên và doanh nghiệp.

Mytel là công ty liên doanh của Viettel tại Myanmar cũng là công ty viễn thông hàng đầu tại Myanmar. Ảnh: VGP

Từ chỉ đầu tư vốn ra nước ngoài ở những lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp và khai khoáng, các doanh nghiệp Việt Nam, trong vài năm gần đây, đã đầu tư vào nhiều ngành có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng tri thức cao hơn. Việt Nam cũng mở rộng đầu tư sang các nước phát triển, như Singapore, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 22 tỉ đô la trong 24 năm kể từ khi có văn bản pháp lý đầu tiên về đầu tư nước ngoài năm 1999.

Trong hành trình nhiều thành công và cũng không ít thất bại đó, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rủi ro xuất phát từ những khác biệt về pháp luật, phong tục, tập quán, văn hóa giữa Việt Nam và quốc gia đón nhận đầu tư… Những điều mà nếu không cố gắng học hỏi để tránh rủi ro cho doanh nghiệp thì cũng sẽ một lần nữa khiến doanh nghiệp Việt Nam mất đi một lợi thế cạnh tranh.

Cuối tháng 5-2023, Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar và Tạp chí Đầu tư Tài chính (Vietnam Finance) ra mắt cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar”. Phát biểu tại lễ ra mắt sách, Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, mong ước “cuốn sách ra sớm hơn, khoảng năm năm trước”. Còn ông Ko Tea Yeon, Tổng giám đốc HeeSung Electronics Việt Nam, một trong những cố vấn của hội đồng biên soạn sách, nói rằng “cuốn này rất nhiều ý nghĩa” với các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài.

Đây là ấn phẩm mang tính “kim chỉ nam” đầu tiên ra đời tại Việt Nam về việc “mang chuông đi đánh xứ người”. Một trong những đề nghị của ông Võ Trí Thành cho ấn phẩm tốt hơn là: “Cuốn sách nên đề cập thêm vấn đề văn hóa của những quốc gia mà Việt Nam đang đầu tư vào. Và bên cạnh các trường hợp thành công nổi bật thì trong chừng mực có thể, nên nói cả trường hợp thất bại”.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh trong đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần tuân thủ luật pháp Việt Nam, mà cần tuân thủ luật quốc tế, luật của nước sở tại… Bên cạnh đó, sự linh hoạt về văn hóa là không thể thiếu. Bởi đó khả năng hiểu được nhiều tầng bối cảnh địa phương và làm việc trong tầng bối cảnh đa văn hóa ở địa phương để đạt được những kết quả kinh doanh nhất định. Vì thế, với các tập đoàn hay các tổ chức toàn cầu ngày nay, sự linh hoạt về văn hóa là lợi thế cạnh tranh mới(*).

Tuy vậy, sự nhạy cảm về văn hóa cần được học hỏi và rèn luyện trong một không gian đa văn hóa, có thể là ngay tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Truyền thông VietGate, nói rằng các khóa đào tạo của các viện, các trường đại học vẫn chưa đủ. Kinh nghiệm thực tiễn và sự thấu hiểu mới là điều đáng quý nhất. Các hãng nước ngoài rất cẩn thận với các yếu tố văn hóa, chính trị và tôn giáo khi triển khai các chương trình quảng cáo toàn cầu xuống từng địa phương.

Ông Đức Hùng kể về trường hợp một hãng vaccine nước ngoài quảng bá cho tiêm chủng vaccine ở Việt Nam nửa cuối năm 2020. “Tiêm chủng cho người già và trẻ em vào giữa thời điểm đó rất nhạy cảm. Chúng tôi đã tư vấn với hãng vaccine rằng không nên sử dụng hình ảnh người cao tuổi và trẻ em. Và họ đã chấp thuận”.

Và dĩ nhiên vai trò tiên phong của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, với các chuyên gia am hiểu thông lệ quốc tế, văn hóa kinh doanh và văn hóa nước sở tại, là điều không thể thiếu, như lời khẳng định của ông Bradley Lalonde, Giám đốc điều hành AmCham.

(*) vietnamfinance.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới