Thứ Ba, 21/05/2024, 01:37
33 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh hàng không tại Việt Nam: Gam màu sáng – tối hậu Covid

Bích Nga

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đã tấn công tất cả các hãng hàng không, không hãng nào tránh được mất mát, thiệt thòi, thậm chí sụp đổ hoặc đứng trên bờ vực sụp đổ. Sau đại dịch, bức tranh tìm đường phục hồi của các hãng lại không giống nhau. Có hãng tìm được đường sáng dần phục hồi, có hãng rơi vào tình trạng khó khăn hơn, chật vật hơn…

Bức tranh phục hồi của hàng không nội địa

Các đường bay trong và ngoài nước đã được mở cửa dần trở lại từ tháng 4-2022 đến nay mở ra cơ hội, đồng thời là thách thức với các hãng hàng không Việt Nam. Làm thế nào để phục hồi khi tất cả đều đã kiệt quệ vì đại dịch, thua lỗ chồng chất? “Nền tảng và quản trị của từng hãng khác nhau dẫn đến độ phục hồi/ hoặc chưa phục hồi được cũng khác nhau”, một chuyên gia hàng không kỳ cựu nhận xét.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2023 vừa được công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.753 tỉ đồng, tăng trưởng 11,7% so với quí 3-2022. Mức doanh thu xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ tăng đến 13,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy độ phục hồi rõ nét trên hành trình cân bằng tài chính của Vietnam Airlines.

Các hãng hàng không VN đều trong quá trình tái cơ cấu sau đại dịch Covid 19 nhưng kết quả tái cơ cấu bước đầu khác nhau rất lớn.

Đây là quí thứ 8 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không cũng như những nỗ lực của Hãng hàng không quốc gia nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.

Tình hình kinh doanh tích cực trong quí 3-2023 và chín tháng đầu năm đã giúp cải thiện lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của tổng công ty và công ty mẹ. Sau khi trừ đi giá vốn, Vietnam Airlines ghi nhận lãi gộp 1.240 tỉ đồng trong quí 3-2023, khả quan hơn nhiều so với số lãi 165 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong cả ba quí đầu năm nay, Vietnam Ailines đều có lãi gộp. Lũy kế chín tháng, hãng đạt lãi gộp đạt hơn 4.100 tỉ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 1.798 tỉ của ba quí đầu năm 2022. Kết quả này đạt được trong bối cảnh Vietnam Airlines đã minh bạch toàn bộ kết quả kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19 ở các thời điểm cụ thể và chấp nhận hạn chế giao dịch trên sàn niêm yết chứng khoán HOSE theo quy định vì thua lỗ lũy kế trong đại dịch.

Thực tế, Vietnam Airlines đến nay vẫn chưa hết lỗ. Sau khi hạch toán hết các chi phí, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 3.535 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm. Nhưng mức lỗ chỉ còn bằng một nửa so với cùng kỳ. Tính riêng quí 3-2023 thì khoản lỗ cũng giảm 13,5% so với quí 3-2022 chủ yếu do giảm lỗ của các đơn vị vận tải (công ty mẹ Vietnam Airlines và Pacific Airlines), trong khi các công ty con kinh doanh có lãi.

Bám sát sau Vietnam Airlines là Vietjet Air. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quí 3 được Vietjet Air công bố cách đây vài ngày, hãng ghi nhận doanh thu 13.548 tỉ đồng (riêng lẻ) và 14.235 tỉ đồng (hợp nhất) trong quí 3-2023, tăng 32% và 23% so với cùng kỳ.

Thách thức vẫn ở phía trước

Tám quí doanh thu tăng trưởng cao cho thấy độ phục hồi ổn định của Vietnam Airlines, mở ra tín hiệu chung đáng mừng cho toàn thị trường hàng không nội. Trong chín tháng vừa qua, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã thực hiện hơn 114 nghìn chuyến bay và vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, dẫn đầu ngành hàng không nước ta với gần 43% thị phần. Các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã dần phục hồi, cộng với các đường bay quốc tế. Lãnh đạo hãng cho biết, do thị trường vận tải thời gian qua từng bước phục hồi và hãng chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, điều hành linh hoạt cung ứng vận tải chuyến, giảm thiểu chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… nên mức lỗ giảm đi đáng kể.

Nhiều hãng vẫn tiếp tục bổ sung đội bay, mở thêm đường bay mới. Nhưng cũng có hãng phải trả tàu, thu hẹp đường bay.

Tính riêng trong quí 3, Vietjet cũng khai thác 36.000 chuyến bay, vận chuyển 6,8 triệu lượt hành khách, tăng 10% so với quí 3- 2019 giai đoạn trước Covid 19.

Tuy nhiên tình hình khả quan không chia đều cho các hãng. Trong khi hai hãng dẫn đầu dần phục hồi thì Bamboo Airways đang lâm vào tình trạng khó khăn. Do không phải là doanh nghiệp niêm yết như hai hãng bay trên, Bamboo Airways không buộc phải công bố thông tin về tình hình sản xuất- kinh doanh. Nhưng bộ máy lãnh đạo hàng đầu của hãng thay đổi liên tục, tình hình kinh doanh gặp khó khiến Bamboo gặp thêm nhiều lúng túng. Hiện Bamboo Airways đã tạm dừng khai thác hầu hết các chặng bay quốc tế đi châu Âu, châu Á, Đông Nam Á từ 18-10-2023 trở đi và chưa hẹn ngày trở lại. Ở nhiều chặng bay nội địa, hãng cũng cắt giảm số chuyến và có chặng cũng tạm dừng khai thác (Hà Nội – Cà Mau…).

Một hãng bay nhỏ khác là Vietravel Airlines cũng đang chật vật tìm đường tồn tại.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, lãnh đạo một hãng bay lớn nói với báo giới rằng: Tình hình kinh doanh vận tải hàng không tuy đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa cân bằng được thu chi, thoát khỏi lỗ lũy kế do thị trường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn như mức trước đại dịch (2019).

Các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình 9 tháng đầu năm nay là khoảng 114 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn so với mức bình quân 143 đô/thùng của 9 tháng đầu năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 80 đô/thùng thời kỳ trước Covid.

Việc các ngân hàng trung ương đồng loạt thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cũng khiến cho chi phí lãi vay của các hãng bay tăng lên trong những quí vừa qua.

Và như vậy, còn rất nhiều thách thức chờ đợi ngành hàng không ở phía trước.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới