Thứ Ba, 21/05/2024, 04:16
33 C
Ho Chi Minh City

Hạ tầng công nghiệp và logistics vào chiến lược thu hút đầu tư của Sóc Trăng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2022-2025 tỉnh Sóc Trăng xác định thu hút đầu tư theo bốn hành lang kinh tế với năm trụ cột, bao gồm dịch vụ logistics cảng biển; hạ tầng công nghiệp – đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và năng lượng tái tạo.

Toàn cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ảnh: Trung Chánh

Bốn hành lang và năm trụ cột thu hút đầu tư

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 với chủ đề “đồng hành- hợp tác- phát triển” diễn ra vào hôm nay, 28-4, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, bốn hành lang kinh tế thu hút đầu tư của địa phương giai đoạn 2022-2025, bao gồm hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển.

Hành lang kinh tế Bắc- Nam sẽ tập trung thu hút phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; hành lang kinh tế Đông- Tây tập trung thu hút phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Cuối cùng, với tuyến hành lang kinh tế trung tâm sẽ tập trung thu hút phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị kết nối TP Sóc Trăng với các địa phương chiến lược trong tỉnh như: huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu.

Từ định hướng bốn hành lang kinh tế nêu trên, theo ông Lâu, địa phương đề ra năm trụ cột thu thút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là dịch vụ logistics cảng biển; hạ tầng công nghiệp- đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch và năng lượng tái tạo.

Cụ thể, với dịch vụ logistics cảng biển, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics các ngành công nghiệp phục vụ kinh tế biển nhằm khai thác lợi thế vị trí cảng biển nước sâu và đường bờ biển dài 72 km của tỉnh, trong đó, trọng tâm là dự án cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề.

Còn hạ tầng công nghiệp- đô thị, Sóc Trăng sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp. Trong đó, các dự án trọng điểm bao gồm, nhóm dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại Kế Sách, Vĩnh Châu, Long Phú với tổng diện tích gần 700 héc ta dọc theo tuyến Nam Sông Hậu; dự án khu đô thị 1 và 2 huyện Trần Đề với tổng diện tích trên 40 héc ta; dự án khu đô thị Nam Sông Hậu, khu đô thị mới huyện Long Phú với tổng diện tích gần 70 héc ta.

Trong khi đó, với nông nghiệp công nghệ cao, sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh; phát triển nuôi thuỷ hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu…

Về du lịch, sẽ phát triển theo định hướng khai thác thế mạnh du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của tỉnh.

Riêng với trụ cột năng lượng tái tạo, ông Lâu cho biết, nhờ có 72 km bờ biển, cho nên, Sóc Trăng có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. “Trong thời gian tới, sau khi quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi tại huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu với tổng công suất dự kiến 5.100 MW”, ông cho biết.

Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra phương châm bốn đồng hành, tức đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển của tỉnh; đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính để triển khai dự án, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ ngành trung ương; đồng hành cùng nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng khi tỉnh cam kết đầu tư hạ tầng, đường giao thông, cấp điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án và đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, vận hành thương mại của dự án.

Với những định hướng phát triển như nêu trên, ông Lâu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ tiếp đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa phương cùng hợp tác và phát triển.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (thứ hai, bên phải) giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: CTV

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị này, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết, thông qua các dự án hạ tầng trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ được triển khai như: cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng; các tuyến quốc lộ; cầu Đại Ngãi và đặc biệt là cảng biển Trần Đề, sẽ giúp đưa Sóc Trăng trở thành cửa ngõ giao thương, kết nối vùng ĐBSCL và các nước tiểu vùng sông Mekong qua hành lang kinh tế Đông- Tây với tuyến hàng hải quốc tế.

Đồng thời, theo ông Mẫn, tỉnh Sóc Trăng sẽ khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và các dự án năng lượng, logistics…, tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp có dự án đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, ngoài việc nổ lực chăm lo đời sống nhân dân, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng rất quan tâm đến cải cách đầu tư, nhất là tinh thần cầu thị, lắng nghe những phản ảnh để kịp thời chấn chỉnh, giúp nhà đầu tư an tâm hoàn thành các dự án. “Đó cũng là lý do trong bốn năm gần đây Sao Ta đã triển khai 5 dự án, gồm 2 dự án nuôi tôm, 1 dự án kho lạnh và 2 dự án nhà máy chế biến nông, thuỷ sản”, ông Lực nhấn mạnh.

“Cần nói thật, làm thật”

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ 13 vấn đề liên quan để giúp tăng thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng, trong đó, nhấn mạnh đến việc cần phải đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. “Các nhà đầu tư thấy chúng ta có đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và khi soi chiếu vào thực tế của họ, thì tự nhiên nhà đầu tư sẽ đến, không mời họ cũng đến”, Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, Sóc Trăng cũng cần phải tìm ra được tiềm năng khác biệt. “Muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải có khác biệt; chỉ ra được thách thức tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục, thì các nhà đầu tư sẽ yên tâm làm ăn”, Thủ tướng cho biết và dẫn chứng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số PAPI là những hạn chế của Sóc Trăng, thì phải có giải pháp khắc phục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, ngoài lợi thế tự nhiên, là tỉnh ven biển, có điều kiện phát triển nông nghiệp và du lịch, tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tự nhiên, không có yếu tố nhân tạo, tức tạo ra sức hút mới như xây dựng hạ tầng, thì cũng rất khó thu hút được nhà đầu tư.

Thủ tướng cũng lưu ý các nhà đầu tư là cần phải nói thật làm thật, tránh tình trạng chỗ nào cũng có dự án thật hoành tráng, nhưng tổng kết lại không có gì. “Địa phương nhiệt tình chào đón, thì mình (nhà đầu tư- PV) cũng nên thể hiện bằng trách nhiệm, bằng sản phẩm, chứ không phải ký thiệt nhiều vào, chỗ nào cũng ký nhưng cuối cùng chẳng ra được sản phẩm nào”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn các nhà đầu khi mang tiền đi đầu tư, làm ra sản phẩm, thì nên làm cho môi trường bền vững, an sinh xã hội tốt lên, chứ không phải là tiêu cực để ra dự án rồi cuối cùng tạo ra những hệ luỵ xấu cho kinh tế- xã hội.

Trong khi đó, ông Mẫn nhấn mạnh, địa phương cam kết sẽ luôn đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, 28-4, tỉnh Sóc Trăng đã lựa chọn, trao quyết định đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 12.078 tỉ đồng. Trước khi diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư và tại hội nghị này, tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký 18 bản ghi nhớ cam kết đầu tư và ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 200.000 tỉ đồng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới