Thứ Năm, 2/05/2024, 11:15
33 C
Ho Chi Minh City

Góc tối – chuyện giáo sư, phó giáo sư…

Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mấy hôm nay giới khoa học cùng những ai quan tâm dõi theo “mùa” xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023. Thuộc lĩnh vực học thuật tinh hoa, những ứng viên trải qua quá trình học tập, nghiên cứu, làm việc dày công sức tại phòng thí nghiệm, lúc khảo sát thực tiễn, lúc giảng đường, hay, trình bày – bảo vệ luận điểm cá nhân trước hội đồng khoa học (các cấp).

Được vinh danh GS, PGS, một động tác quản lý cần thiết – tiếp lửa, truyền lửa nghiên cứu khoa học, thỏa khát vọng bản thân, hun đúc thế hệ sau, cùng nhau vun mảnh đất khoa học màu mỡ. Chuyện cao cả ấy từ xa xưa kết nên truyền thống vô cùng cao đẹp.

Cuộc đời bà Marie Curie (1867-1934), nữ giáo sư đầu tiên của Đại học Paris, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trên thế giới hai lần nhận giải thưởng Nobel, được tôn vinh là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Với bà Marie Curie, phát minh khoa học để mang lại hạnh phúc cho nhân loại chứ không phải vì lợi ích cá nhân.

Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (1913-1997), một con người tài đức vẹn toàn, góp phần đặc biệt quan trọng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Trong tâm thức người dân, nghĩ về giáo sư, những con người uyên bác, ngời sáng, khả kính. Thế rồi dông lốc thị trường, những năm trở lại đây, đến kỳ Hội đồng Giáo sư nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là ồn ào, nghi ngại, tố cáo, vì, ứng viên khai gian dối thông tin về bài báo quốc tế, chưa trung thực trong làm hồ sơ…

Đã thế, nhưng khi bị “gọi tên”, có ứng viên phân bua một cách “ngô nghê”, đến độ không thể chấp nhận. Điệp khúc “không biết, không biết…” nhưng lại biết kê khai các bài báo đó, cả những bài báo đứng tên chung với “đầu nậu” bài báo quốc tế dỏm, vào trong hồ sơ cá nhân đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS (Nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố gian dối – Tuổi Trẻ, 17-10). Quả là chuyện trớ trêu “mùa” xét Giáo – Sư, tức là, Thầy – Giáo.

Động cơ vị kỷ, háo danh, chạy theo lối “trần tục” chức quyền – phải chăng khiến ứng viên GS, PGS “mua” bài báo quốc tế dỏm!? Cũng vì thế, mà phải chăng sự liêm chính bị nghiền nát dưới bánh xe quá tải lợi ích cá nhân? Báo chí, các chuyên gia, người dân chỉ ra góc khuất xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hàng năm.

Thiết nghĩ, quản lý ngành, để xảy ra nhiều sai phạm ở lĩnh vực giáo dục, là chuyện không thể chấp nhận!. “Domino” hệ lụy xấu, mất mát không gì bù đắp. Mà chuyện trăm năm trồng người, vốn luôn cần trong sáng, mực thước. Chậm trễ thay đổi, để tiêu cực biến hóa thiên hình vạn trạng, với góc nhìn nghiêm khắc, có thể xem như thỏa hiệp.

Hiện đã có 606 ứng viên được Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023. Nhân dân đều mong họ thật sự xứng tâm, đủ tầm, tài năng, liêm chính. Giờ là lúc “bộ lọc” hoạt động để, thà một lần đau, trả giáo sư về đúng tên gọi.

20-10, VnExpress có bài: “Nữ giáo sư Toán đầu tiên của Việt Nam viết luận án trong bom đạn”, đó là GS. Hoàng Xuân Sính. Chuyện kể về những năm tháng gian khổ, khốc liệt của chiến tranh, nữ giảng viên khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Hoàng Xuân Sính, lúc ấy 26 tuổi, đêm đêm viết tay luận án gửi cho thầy hướng dẫn, để rồi sau năm năm, hoàn thành luận án viết tay có một không hai trên thế giới.

Đam mê giảng dạy, nghiên cứu đã tạo nên những giáo sư cao cả đáng kính cho nền giáo dục nước nhà! Chứ, đường vào GS, PGS mà lót gạch giả dối là họa cho giáo dục nước nhà.

3 COMMENTS

  1. Câu chuyện này đã quá cũ. Nay nói lại thêm để tường tận hơn mà thôi. Cái gì cũng không qua được “thực chứng”. Nền tảng khoa học công nghệ nước nhà, trước hết được chứng thực qua năng lực và phẩm chất của đội ngũ tinh hoa, những công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đầy sức sống, sức hấp dẫn cao đối với cộng đồng tri thức trong và ngoài nước… Tất cả, dường như đã thể hiện rất rõ.

  2. Chỉ xin các quý độc giả vô cùng kính mến đừng nhầm “khoa học” với “công nghệ”.
    Cái thứ 2 là cái ứng dụng, biến tri thức (các tập giấy có chữ!) thành tiền, rất nhiều tiền. Và thường do bộ phận R & D ở các công ty thực hiện. Ví dụ điển hình là toàn bộ ngành dược trên khắp thế giới.
    Còn cái đầu, than ôi (hay “Trời đất ơi !”), lại biến rất nhiều tiền thành … giấy có chữ (hoặc file mềm) và … nhét vào tủ, nhét vào đầu.
    Vậy, xin các quý vị rất kính mến đừng yêu cầu khoa học phải dễ hiểu, phải ứng dụng, phải có sản phẩm, phải ra tiền.
    Cái đó là của ông công nghệ.
    Và cuối cùng, xin nói thật (mất lòng): Khoa học không dễ hiểu đâu. Cực kỳ khó hiểu (kể cả khoa học XH nghiêm túc). Không phải dân chuyên đúng ngành đó, thì tốt nhất là cứ đứng nhìn cho lành.
    Vài lời quê kệch, có gì thiếu sót xin chỉ giáo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới