Thứ Hai, 20/05/2024, 19:39
33 C
Ho Chi Minh City

Giấy tờ số hóa thủ tục hành chính chưa được đảm bảo giá trị pháp lý

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc xử lý hồ sơ thủ tục hành chính số hóa mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử nên chưa đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ được số hóa và không thể tái sử dụng, gây lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ.

Người dân quận Ba Đình (Hà Nội) thực hiện thủ tục hành chính thông qua quét mã QR để khai báo các thông tin liên quan. Ảnh minh họa: TTXVN

TTXVN đưa tin, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có sự cải thiện rõ rệt, trong đó chín tháng năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử các bộ, ngành đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022). Tất cả các địa phương đã thực hiện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử.

Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022), góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành như dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe.

Theo Văn phòng Chính phủ, quá trình tham gia số hóa của các cán bộ, công chức, viên chức thẩm định, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn rất hạn chế, chủ yếu việc số hóa mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử (hơn 56,7% hồ sơ của bộ, ngành và hơn 31,3% của địa phương) nên không những chưa đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ được số hóa, không thể tái sử dụng, mà còn lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ.

Việc triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, toàn diện, mới chỉ triển khai điểm ở một số Ủy ban Nhân dân cấp xã, kết quả thực hiện còn rất thấp như Đắk Nông, TPHCM, Cao Bằng, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sơn La, Bạc Liêu, Bình Thuận, Thái Bình…

Nhiều giấy tờ, tài liệu đặc thù chuyên ngành phải số hóa như bản vẽ kỹ thuật, bản đồ… nhưng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cách thức số hóa phù hợp tại pháp luật chuyên ngành nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất, chưa hiệu quả, nhất là ở các địa phương. Việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ số hóa của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới