Thứ Ba, 21/05/2024, 04:16
33 C
Ho Chi Minh City

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị không tăng học phí năm học 2023-2024

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị lộ trình tăng học phí chậm lại 1 năm so với quy định, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức học phí năm học 2022-2023. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức học phí năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: Minh Thảo

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong giáo dục, đào tạo, TTXVN đưa tin.

Theo đó, bộ cho biết, nếu thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 thì mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học này sẽ tăng trung bình trên 45%, đặc biệt khối ngành y dược tăng 93% so với năm học trước. Bộ đề nghị cho lộ trình tăng học phí chậm lại 1 năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81, nghĩa là mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức học phí năm học 2022-2023.

Theo tờ trình, học phí cấp giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2023-2024 dự kiến thu bằng mức phí năm 2022-2023 như sau: học sinh mầm non, cấp tiểu học khu vực thành thị thì thu từ 100-540 ngàn đồng/tháng/người; vùng nông thôn thu từ 50-220 ngàn đồng/tháng/người; vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì thu từ 30-110 ngàn đồng/tháng/người.

Học sinh cấp THCS thì thu mức học phí lần lượt theo 3 khu vực lần lượt là từ 100-650 ngàn đồng/tháng/người; từ 50-270 nghìn đồng/tháng/học sinh; từ 30-170 nghìn đồng/tháng/người. Học sinh cấp THPT thì học phí vùng thành thị từ 110-650 ngàn đồng/tháng/người; vùng nông thôn thu từ 70-330 nghìn đồng/tháng/học sinh và vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30-220 ngàn đồng/tháng/học sinh.

Đối với giáo dục đại học công lập chưa tự chủ, học phí áp dụng cho năm 2023-2024 cao nhất là nhóm ngành y dược với khoảng 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ cao nhất cũng là nhóm ngành sức khỏe với hơn 2 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ quan đã lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế. Kết quả cho thấy các ý kiến đều cho rằng học phí năm học 2023-2024 cần được tăng để đảm bảo điều kiện đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đối với các trường đại học công lập thực hiện tự chủ, khi nguồn thu chủ yếu đến từ học phí.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng mức tăng học phí này nên lùi một năm so với lộ trình tăng học phí của Nghị định 81 để giảm áp lực cho xã hội. Từ năm học 2024-2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới